Giaiphapmoitruong.net – Hiện nay, tính chung trên địa bàn cả nước, lượng nước thải các loại chưa được xử lý lên tới 1,5 tỉ m3. Trong đó nước thải ở các khu đô thị và các khu công nghiệp khoảng 1tỉ m3. Chỉ có khoảng 30% cơ sở sản xuất công nghiệp có trạm xử lý nước thải, nhưng hầu hết các cơ sở này vận hành chưa đủ tiêu chuẩn hoặc không được vận hành thường xuyên.
Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác song phương giữa Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam với Bộ Môi trường Hàn Quốc, chiều ngày (7/5), tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Trung tâm Hợp tác Môi trường Việt – Hàn, Viện Công nghệ và Kỹ thuật môi trường Hàn Quốc tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc về công nghệ xanh”.
Hiện nay, tính chung trên địa bàn cả nước, lượng nước thải các loại chưa được xử lý lên tới 1,5 tỉ m3. Trong đó nước thải ở các khu đô thị và các khu công nghiệp khoảng 1tỉ m3. Chỉ có khoảng 30% cơ sở sản xuất công nghiệp có trạm xử lý nước thải, nhưng hầu hết các cơ sở này vận hành chưa đủ tiêu chuẩn hoặc không được vận hành thường xuyên. Các thiết bị công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường chưa đồng bộ nên chưa phát huy hiệu quả, đồng thời chưa hình thành được ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam.
Ông Đặng Văn Lợi, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường cho biết: “Tiềm năng phát triển của Việt Nam rất mạnh, vì chúng ta có lực lượng nghiên cứu rất cao, trình độ ở các trường, các viện nghiên cứu. Chúng ta có chính sách ưu đãi nhưng vẫn còn thiếu những công cụ triển khai như phần đánh giá công nghệ môi trường. Khi đánh giá một công nghệ không chỉ đánh giá riêng về kinh tế, kĩ thuật mà cần có 1 nhóm tiêu chí đánh giá. Mới nhìn chúng ta thấy giá cao nhưng không phải giá cao nếu như quá trình vận hành rẻ và việc vận hành thuận lợi, độ bền thiết bị cao hơn.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã giới thiệu một số công nghệ xử lý nước thải, chất thải đang được sử dụng ở Hàn Quốc như sản xuất nước uống đóng chai sử dụng chuỗi thiết bị lọc từ nguồn nước mặt có độ đục cao; Công nghệ chuyển đổi chất thải thành năng lượng…
Ông Kim Sun Min, Giám đốc Công ty Halla cho rằng: Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để áp dụng và vận hành có hiệu quả công nghệ chuyển đổi chất thải thành năng lượng. Công nghệ này về thực chất không cần có sự phân loại rác kĩ lưỡng ngay từ đầu. Tôi được biết, hiện nay, rác thải ở Việt Nam vẫn còn là rác hỗn hợp, ít được phân loại tại nguồn. Thế nhưng với công nghệ này, đây không phải là điều kiện tiên quyết nên hoàn toàn có thể áp dụng được ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt nam để chuyển giao công nghệ này.
Diễn đàn cũng đưa ra cái nhìn tổng quan về hiện trạng và tiềm năng của ngành công nghệ môi trường ở Việt Nam; hiện trạng đầu tư và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng về môi trường đô thị ở Việt Nam trong lĩnh vực cấp thoát nước, xử lý chất thải, xây dựng-bất động sản, khu công nghiệp, điện tử, hoá chất.
Theo VOV