Kiểm soát ô nhiễm nước mặt sông: Thiếu quy hoạch, yếu quản lý

Nguồn nước mặt trên các con sông đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng bởi hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề và các khu đô thị.

Theo Trung tâm Quan trắc môi trường – Tổng cục Môi trường, tại miền Bắc, các nguồn chính gây ô nhiễm nước mặt các dòng sông là nước thải sinh hoạt, hầu hết từ các đô thị, thành phố lớn chưa qua xử lý, xả trực tiếp ra kênh, mương và chảy thẳng ra sông; nước thải từ các khu công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng, hóa chất, luyện cán thép; nước thải y tế, nước thải từ các làng nghề, từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, theo Trung tâm Quan trắc môi trường, nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại miền Bắc chiếm tới 40% tổng nhu cầu toàn quốc; còn số làng nghề chiếm tới 60% tổng số làng nghề cả nước. Nếu khu vực vùng núi đầu nguồn, chất lượng nước tương đối tốt thì các đoạn sông chảy qua khu vực có nhiều cơ sở sản xuất, hàm lượng, các thông số ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn.

Tại sông Hồng, dòng chính và các phụ lưu tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, phần lớn các chỉ tiêu trong ngưỡng cho phép thì đoạn qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc nơi có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp hầu hết thông số vượt ngưỡng. Tuy nhiên, sông Hồng vẫn được coi là có mức độ ô nhiễm thấp hơn cả trong các con sông ở miền Bắc. Lưu vực sông Cầu, nhiều đoạn cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là đoạn chảy qua đô thị, khu công nghiệp. Trong đó sông Ngũ Huyện Khê là điển hình của tình trạng ô nhiễm trên lưu vực sông Cầu. Lưu vực sông Nhuệ – Đáy, tình trạng ô nhiễm ở mức báo động, với các thông số vượt tiêu chuẩn nhiều lần, đặc biệt ô nhiễm càng nặng sau khi tiếp nước từ sông Tô Lịch.

240514_Song-TLich-3

Nếu như miền Nam có nguồn gây ô nhiễm tương tự miền Bắc thì miền Trung và Tây Nguyên còn thêm nguồn gây ô nhiễm từ các nhà máy thủy điện. Mức độ ô nhiễm gia tăng được ghi nhận vào mùa khô do việc đổi dòng phục vụ các công trình thủy điện, thủy lợi. Tuy nhiên, chất lượng nước mặt các con sông khu vực này như sông Hương, Vu Gia, Thu Bồn, Trà Khúc, Trà Bồng… nhìn chung tương đối tốt (thông số đạt quy chuẩn Việt Nam loại A2), khu vực ô nhiễm cục bộ không nhiều.

Đối với các sông lớn ở miền Nam, sông Đồng Nai có chất lượng nước ở thượng lưu tương đối tốt nhưng ở hạ lưu, đoạn qua TP Biên Hòa bị ô nhiễm; sông Sài Gòn đoạn thượng lưu có chất lượng nước khá tốt nhưng hạ lưu bị ô nhiễm chất hữu cơ, nhất là khu vực TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, sông Tiền, sông Hậu có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm sông Tiền cao hơn sông Hậu; sông Vàm Cỏ ô nhiễm từ các nhà máy và Vàm Cỏ Đông có mức ô nhiễm cao hơn Vàm Cỏ Tây.

Theo PGS.TS Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường – Tổng cục Môi trường, bên cạnh các nguyên nhân trực tiếp như nước thải chưa qua xử lý, xả trực tiếp xuống sông, còn nguyên nhân gián tiếp nhưng vô cùng quan trọng là công cụ, chính sách pháp luật kiểm soát ô nhiễm nước chưa hiệu quả, hiệu lực pháp lý thấp, chưa thực sự đi vào cuộc sống. Các nội dung liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước nằm rải rác trong các văn bản chưa được hệ thống hóa thành một văn bản nhất quán, thống nhất. “Trong bảo vệ môi trường có Luật Môi trường, các thành tố khác có Luật Đất đai, Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Khoáng sản, Luật Đa dạng sinh học… Xét về tầm quan trọng, nước cũng là đối tượng cần được bảo vệ nên cần có luật riêng quy định về bảo vệ môi trường nước, kiểm soát ô nhiễm nước” – PGS.TS Phạm Văn Lợi đề nghị.

Tổng cục Môi trường thừa nhận, về định hướng chiến lược và hành lang pháp lý quản lý môi trường nước có Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia… Tuy nhiên, các quy định còn chồng chéo giữa cấp phép, kiểm soát nguồn thải, giữa ngành tài nguyên – môi trường và nông nghiệp – phát triển nông thôn.

Thực tế cho thấy, chưa có cơ chế cụ thể bảo đảm quy hoạch sử dụng nước của các ngành phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường nước các lưu vực sông. Thiếu một quy hoạch tổng thể, thiếu một tổ chức đủ mạnh điều phối hoạt động trên toàn lưu vực và các vấn đề liên tỉnh, liên ngành phát sinh… Ngay cả các quy định cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước cũng khó triển khai do thiếu cơ sở dữ liệu, quy định về báo cáo, giám sát, công cụ hỗ trợ việc cấp phép… Về công cụ kinh tế, phí bảo vệ môi trường chủ yếu thu từ nước thải sinh hoạt (thu cùng với nước sạch), đối với nước thải công nghiệp rất hạn chế do khó phân tích, tính toán khối lượng để thu; trong khi mức thu thấp không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Theo Gia Khánh/Hà Nội mới, 24/05/2014

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 312 207