Kỹ sư môi trường: Người bảo vệ nguồn sống

Đó là những “dũng sĩ” thầm lặng, đảm trách việc duy trì sự an toàn của nguồn nước, không khí và đất, phủ xanh khắp nơi trong bối cảnh Trái Đất đang bị “xâm chiếm” bởi hiệu ứng nóng lên toàn cầu.

Vai trò của người kỹ sư môi trường không chỉ được nhìn nhận ở góc độ xử lý các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, mà còn tiến đến một bước xa hơn là dự báo, ngăn chặn ô nhiễm tại nguồn, quản trị rủi ro sinh thái, thiết kế hệ thống năng lượng tái tạo.

Đây cũng là ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng từ chính việc giải quyết các vấn đề môi trường như cải thiện sức khỏe con người và an sinh xã hội, nâng cao hiệu suất của nền kinh tế, đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Tại sao học môi trường?

Môi trường ở quanh ta, con người không thể tồn tại nếu tách khỏi môi trường. Việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường là nhu cầu thiết yếu và càng ngày càng quan trọng. Nhu cầu này xuất hiện ở mọi quốc gia, mọi nền công nghiệp và tại tất cả các doanh nghiệp. Tại các quốc gia tiên tiến, xử lý môi trường là một yêu cầu bắt buộc đối với những doanh nghiệp sản xuất muốn được cấp giấy phép đầu tư mới.

Về mặt cá nhân, ngành này phù hợp với những ai yêu thích khoa học và thiên nhiên, muốn có một cuộc sống, sự nghiệp gắn liền khoa học và thiên nhiên, mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng.

Theo Tạ Hùng Anh – cử nhân Công nghệ Sinh học Môi trường, hiện đang làm nghiên cứu sinh ngành Quản lý Môi trường tại Viện Công nghệ Châu Á (Thái Lan), môi trường là ngành học liên ngành, kết hợp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về sinh học, hóa học, vật lý, quản trị, kinh tế, luật học…

Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp của SV tốt nghiệp ngành Môi trường cũng rất đa dạng. Họ có thể đảm nhiệm công tác nghiên cứu, quản lý, chuyên viên, kỹ sư tại các trung tâm nghiên cứu, cơ quan quản lý môi trường, các tổ chức quốc tế, dự án phi chính phủ về môi trường, các công ty cấp thoát nước, doanh nghiệp tư vấn giải pháp môi trường, các nhà máy sản xuất, ban quản lý môi trường tại các khu công nghiệp, chế xuất…

Đặc biệt, không thể không nhắc tới cảnh sát môi trường, một nghề mới và “hot” trong vài năm trở lại đây với hàng loạt phát hiện gây chấn động về những bê bối trong công tác quản lý môi trường của các doanh nghiệp sản xuất. Đây là lực lượng đặc biệt, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về khoa học môi trường, trong khi toàn Cục Cảnh sát Môi trường hiện chỉ có 15-20% cán bộ được đào tạo bài bản về mảng này.

Học môi trường ở đâu?

Nhiều chuyên gia môi trường cho hay, do đặc thù nghề nghiệp nên mặt bằng lương của kỹ sư môi trường thuộc dạng cao cùng nhiều đãi ngộ hấp dẫn theo năng lực. Thêm vào đó, cơ hội tu nghiệp nước ngoài của kỹ sư môi trường là rất cao bởi học bổng nghiên cứu sau ĐH cho đối tượng này vô cùng phong phú. Để đạt được điều đó, kỹ sư môi trường không những phải giỏi chuyên môn, yêu nghề, mà còn phải lưu loát Anh ngữ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 312 207