Theo các chuyên gia, còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng công tác báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chất lượng báo cáo của nhiều dự án còn thấp, biện pháp bảo vệ môi trường thiếu tính khả thi.
Chủ dự án phó mặc cho bên tư vấn
TS. Mai Thế Toản – Phó Cục trưởng Cục Thẩm định (Tổng cục Môi trường) cho biết, đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường là những công cụ quan trọng, mang tính chất phòng ngừa, để quản lý môi trường trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, hệ thống các văn bản hướng dẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp. Hoạt động kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với địa phương vẫn chưa thực sự chặt chẽ.
Bàn về công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, ông Trịnh Văn Thuận – Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: “Trong nhiều năm qua, việc thẩm định, phê duyệt báo cáo của các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ rất khó thực hiện vì hầu hết các doanh nghiệp tự phê duyệt dự án đầu tư”.
Kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường cho thấy, các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nội dung cam kết, đặc biệt là việc xây dựng, lắp đặt các công trình bảo vệ môi trường. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm, nhất là ở các vùng khai thác khoáng sản và khu công nghiệp.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa chủ dự án với các cơ quan, đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường vẫn chưa thật sự chặt chẽ. Ông Mai Thế Toản chỉ rõ: “Nhiều trường hợp chủ dự án phó mặc cho bên tư vấn môi trường thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong khi trách nhiệm pháp lý với nội dung báo cáo thuộc về chủ dự án”.
Tránh vết xe đổ
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến nhìn nhận: “Mặc dù công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đã đạt được những kết quả đáng kể trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, song nước ta vẫn đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên ô nhiễm và suy thoái môi trường ngày càng đáng lo ngại”.
Ông Bùi Cách Tuyến cho rằng, với định hướng phát triển bền vững, phải tập trung nguồn lực, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tránh lặp lại những sai lầm của một số quốc gia đi trước. Điều này cũng được các chuyên gia cảnh báo: “Nếu công tác đánh giá tác động môi trường không được triển khai bài bản và đồng bộ, nước ta sẽ mất đi cơ hội phát triển bền vững”.
Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên đề xuất: “Để bảo vệ môi trường, Việt Nam cần phải tăng cường phần đánh giá tác động xã hội trong đánh giá tác động môi trường, nhất là tác động đến sinh kế cộng đồng. Ngoài ra, cần tạo hành lang pháp lý và điều kiện để các nhà khoa học, các tổ chức xã hội có thể tham gia hỗ trợ, tư vấn cộng đồng dân cư giải quyết các vấn đề môi trường và tranh chấp môi trường”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đẩy mạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống và tăng cường tính pháp chế trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường. Cùng với các biện pháp trên, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục phối hợp thực hiện quyết liệt hơn công tác quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Đồng thời, phải tăng cường công tác hậu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra việc thực hiện các nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
MTX