Công nghệ môi trường làm giàu không khó chỉ khó là làm giàu như thế nào thôi, các bạn xem bài viết của trường ĐH Bách Khoa nha
Gần như mặc định, khi nhắc tới những công việc liên quan đến môi trường, nhiều người nghĩ ngay đến sự nặng nhọc, vất vả, lấm lem, thậm chí là hôi thối, mà đồng lương lại còi cọc. Liệu đó có phải hình mẫu chung cho những ngành nghề liên quan đến môi trường?
Ngành Công nghệ Môi trường đã hình thành và phát triển trên thế giới từ cách đây hơn bốn thập niên, tập trung chủ yếu tại các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Đây là ngành công nghiệp tạo ra nhiều giá trị gia tăng từ chính việc giải quyết các vấn đề môi trường, không còn mang tính công ích thuần túy mà ngày càng thể hiện rõ tính sinh lợi trong các hoạt động của nó, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho việc phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm Công nghệ Môi trường vẫn còn rất mới, các doanh nghiệp môi trường chỉ được biết đến như những đơn vị cung ứng dịch vụ tư vấn, xử lý chất thải nhỏ lẻ. Mặt khác, nó mới được tiếp cận từ quy trình “xử lý cuối đường ống” – nghĩa là đặt vào sự “ô nhiễm đã rồi”, chứ chưa chú trọng về sự ngăn ngừa ô nhiễm tại nguồn, xem chất thải như nguồn tài nguyên quý giá để tái sử dụng cho việc tạo ra các giá trị mới.
HỌC GÌ VỚI NGÀNH CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG?
Chương trình đào tạo Công nghệ Môi trường trang bị cho sinh viên (SV) kiến thức cơ bản về quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng viễn thám trong quản lý tài nguyên, công nghệ xử lý nước cấp, nước thải, khí thải và chất thải rắn. Qua đó, điều chỉnh hoạt động của con người dựa trên sự tiếp cận hệ thống và kỹ năng điều phối thông tin đối với các vấn đề môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
TẠI SAO PHẢI HỌC NGÀNH MÔI TRƯỜNG BẰNG TIẾNG ANH?
Giáo trình về môi trường trong nước thì từ cũ đến… rất cũ. Giáo trình và tài liệu nước ngoài thì từ mới đến… rất mới. Mà đã đụng đến công nghệ nước ngoài thì không thể không cần đến tiếng Anh – điều kiện cần trong vô số các điều kiện đủ để trở thành một kỹ sư Công nghệ Môi trường.
Nếu bạn phải thiết kế một công trình xử lý nước thải, khí thải hay lò đốt chất rắn thì việc đọc các tài liệu nước ngoài là điều bắt buộc, đặc biệt với các chất thải thuộc loại “cứng đầu” như nước thải của nhà máy đường, nước thải chế biến cao su… Khi mà Việt Nam chưa có một sơ đồ xử lý tối ưu thì việc bạn phải làm là vùi đầu trong phòng thí nghiệm và nghiền ngẫm một núi tài liệu của nước ngoài. Đó là chưa tính đến khả năng giao tiếp, khả năng đọc và dịch tài liệu của nước ngoài phải OK.
khi bắt tay vào một công trình nghiên cứu mới thấy vất vả trăm bề. Một mẫu chất thải công nghiệp đem về phòng thí nghiệm, thí nghiệm lên, thí nghiệm xuống, phân tích đi phân tích lại vẫn chưa ra được kết quả. Không đam mê, kiên trì và cả khả năng chịu đựng, chịu… hôi thối nữa thì không cách chi theo được nghề!
ĐẦU RA RỘNG MỞ
Kỹ sư ngành Quản lý và Công nghệ Môi trường có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và làm việc tại các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong và ngoài nước hoặc tại các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trung ương và địa phương, các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp sản xuất, các khu công nghiệp, các công ty và trung tâm tư vấn môi trường nước ngoài, các Viện nghiên cứu và các đại học chuyên ngành quản lý tài nguyên môi trường:
– Các cơ quan quản lý Nhà nước thường tuyển dụng kỹ sư ngành Quản lý và Công nghệ Môi trường của Khoa Môi trường – ĐHBK TP.HCM như: Bộ và Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh, Chi cục Bảo vệ Môi trường các tỉnh, Trung tâm Quan trắc Môi trường các tỉnh, Bộ và Sở Khoa học & Công nghệ, Bộ và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, các Phòng quản lý Tài nguyên Môi trường quận – huyện.
– Ban Quản lý dự án liên quan cấp quốc gia, tỉnh, thành vùng như: ban quản lý cải thiện vệ sinh môi trường các lưu vực thoát nước, các dự án cải tạo chất lượng nước trong lưu vực sông, dự án quản lý chất thải rắn các tỉnh thành, ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, v.v…
– Các công ty thường tuyển dụng kỹ sư ngành Quản lý và Công nghệ Môi trường của Khoa Môi trường – ĐHBK TP.HCM, gồm: SEEN, Trung tâm Phát triển Năng lượng (EDEC), Nike Vietnam, Clover Technologies Group,Gia Định và các công ty tư vấn môi trường có chức năng tư vấn, lập báo cáo khả thi cho các dự án liên quan đến môi trường, tài nguyên, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch phát triển địa phương/ quốc gia/ vùng, v.v…
– Các tổ chức phi chính phủ thường tuyển dụng kỹ sư ngành Quản lý và Công nghệ Môi trường của Khoa Môi trường – ĐHBK TP.HCM, gồm: IUCN Việt Nam, CARE Việt Nam, và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như WWF, Save the Children, ENDA, các tổ chức xã hội như Liên Hiệp hội Nước và Bảo vệ Môi Trường, Hội Bảo vệ Môi Trường, v.v…
LÀM GIÀU KHÔNG KHÓ
Tất cả các ngành nghề đều có người làm giàu được và có người không kiếm sống được. Ngành Công nghệ Môi trường không thuộc lĩnh vực kinh doanh, kinh tế, cũng chẳng phải ngành để làm giàu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiếm ra (nhiều) tiền bằng việc kiến tạo, tìm ra những giải pháp mới và tối ưu cho quá trình xử lý môi trường. – Đó là lời khẳng định của PGS-TS Nguyễn Xuân Cự, giảng viên Khoa Môi trường – ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Không phải là điều gì đó quá xa vời, hoàn toàn là việc trong tầm tay của bạn. Như ý tưởng tái sử dụng bột bã thải dầu kim loại nặng để sản xuất men màu trong gốm sứ của ba cô gái Hoa, Bình, Xuân đến từ K47 Công nghệ Môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội).
“Từ việc nhìn ngắm những chiếc lọ gốm đủ màu sắc trong chuyến đi đến Bát Tràng và dựa trên những tài liệu của nước ngoài do cô giáo cung cấp, bọn mình tiến hành nghiên cứu cách xử lý bột bã thải kim loại nặng thành men màu. Sau khi xử lý, một cân bột men màu thu được có thể hạ giá thành xuống còn 5.000-7.000 đồng/kg so với giá thị trường 15.000-trên 20.000 đồng/kg. Quan trọng hơn là có thể xử lý và tận dụng nguồn bột bã thải độc hại một cách an toàn thay vì đóng rắn và chôn lấp như trước đây” – cả ba chia sẻ.
Kết quả của việc quay cuồng giữa phòng thí nghiệm – nhà máy – làng gốm Bát Tràng là giải thưởng 10.000 USD, đủ cho Hoa, Bình và Xuân tiếp tục mở rộng nghiên cứu sang việc ứng dụng ở quy mô lớn.